Nguyên nhân gây thâm quầng mắt và cách khắc phục hiệu quả
Quầng thâm mắt hay thâm quầng mắt là tình trạng không ít người đang gặp phải. Nguyên nhân gây thâm quầng mắt mà hầu hết chúng ta đều nghĩ đến là mất ngủ. Nhưng thực tế, nguyên nhân thâm mắt còn nhiều hơn thế nữa và có thể liên quan đến vấn đề bệnh lý. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu về nguyên nhân và cách khắc phục quầng thâm ở mắt.
Thâm quầng mắt là hiện tượng gì?
Vùng da dưới mắt là một trong những vùng da có cấu trúc mỏng manh nhất trên cơ thể. Điều này khiến những khuyết điểm của nó càng trở nên nổi bật. Khi bị quầng thâm mắt, vùng da dưới mắt sẫm màu hơn, thường có màu thâm đen, tím, xanh… tùy theo màu sắc của da. Đôi mắt thâm quầng khiến bạn có cảm giác mệt mỏi, già trước tuổi.
Quầng thâm mắt làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của khuôn mặt.
Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần có quầng thâm ở mắt do những nguyên nhân khác nhau. Có những người quầng thâm mắt chỉ xuất hiện vài ngày rồi khỏi. Nhưng cũng có người quầng thâm mắt tồn tại dài ngày thậm chí là vĩnh viễn. Điều này ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của khuôn mặt.
Nguyên nhân gây thâm quầng mắt thường gặp
Có thể kể đến những nguyên nhân gây thâm quầng mắt thường gặp nhất như:
Thâm quầng mắt do thiếu ngủ
Thiếu ngủ là nguyên nhân phổ biến nhất khiến mắt của bạn thâm quầng. Khi chúng ta ngủ, làn da được tái tạo phục hồi. Khi mất ngủ hoặc thiếu ngủ, các hợp chất steroid được sản sinh nhiều hơn sẽ cản trở quá trình lưu thông máu đến toàn bộ cơ thể trong đó có vùng da dưới mắt.
Điều này khiến vùng da dưới mắt bị thiếu oxy. Máu đủ oxy sẽ có màu đỏ nhưng động mạch chứa máu giàu oxy lại thường nằm sâu hơn. Các mao mạch chứa máu đã cạn kiệt oxy thường nằm sát bề mặt da hơn. Máu cạn kiệt oxy thường có màu hơi xanh, xanh lam, thâm đen. Vì vậy, mất ngủ, thiếu ngủ khiến vùng da dưới mắt bị thâm quầng.
Mắt thâm quầng do di truyền
Có những người có nguyên nhân gây thâm quầng mắt là do di truyền. Những người thâm quầng mắt do di truyền thường giàu hạt sắc tố melanin hơn bình thường. Theo thống kê, những người Ấn Độ, Châu Phi, người Latinh có vùng da quanh hốc mắt chứa nhiều sắc tố hơn nên dễ bị thâm quầng mắt do di truyền hơn.
Mắt thâm quầng khiến bạn mệt mỏi, thiếu sức sống.
Mao mạch dưới mắt bị rò rỉ
Khi mao mạch dưới mắt bị rò rỉ do va chạm mạnh, chấn thương… các tế bào hồng cầu xâm nhập vào các mô xung quanh. Khi đó, các enzym trong cơ thể sẽ phá vỡ các tế bào máu này khiến chúng bị phân hủy và có màu xanh đen sẫm. Đây là lý do chúng ta nhìn thấy rõ quầng thâm ở mắt.
Các nguyên nhân khác
Một số loại thuốc chữa bệnh khiến các mạch máu dưới mắt bị giãn ra hoặc tăng khả năng giữ nước. Khi đó, các mạo mạch mở rộng hơn làm máu, dịch bạch huyết tích tụ và hậu quả là chúng ta thấy vùng da dưới mắt có màu khác thường.
Phụ nữ mang thai thường gặp chứng tăng sắc tố da nên quầng mắt cũng có thể bị thâm dài ngày. Những người dùng thuốc tránh thai nội tiết tố, dùng liệu pháp thay thế nội tiết tố cũng có thể khiến việc sản xuất melanin bị kích thích quá mức gây thâm quầng mắt.
Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia đều có thể ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu dưới da hoặc làm giảm lượng oxy trong máu. Và đây cũng là nguyên nhân gây thâm quầng mắt. Ngoài ra, ăn mặn cũng khiến cơ thể tăng tích tụ dịch lỏng khiến các mạch máu bị đẩy gần da hơn và vùng da dưới mắt sẽ có màu xanh thẫm rõ ràng.
Thâm quầng mắt do bệnh lý đáng lo ngại nhất.
Thâm quầng mắt có thể là biểu hiện của bệnh gì?
Thâm quầng mắt là bệnh gì cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Trên đây là những nguyên nhân thông thường khiến mắt xuất hiện quầng thâm. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân bệnh lý dẫn đến tình trạng này như:
- Tại sao ngủ đủ giấc mà mắt vẫn thâm? Đó có thể là một biểu hiện của thiếu máu. Thiếu máu có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là thiếu máu do thiếu sắt. Theo kết quả một nghiên cứu, có đến 50% người có quầng thâm mắt bị thiếu máu do thiếu sắt.
- Bệnh suy thận khiến vùng da quanh mắt bị khô và tối màu hơn.
- Bệnh gan có triệu chứng mắt thâm quầng và càng da.
- Người mắc bệnh dạ dày mãn tính khiến việc hấp thụ dinh dưỡng bị ảnh hưởng, cơ thể mệt mỏi, mất ngủ cũng dẫn đến mắt thâm quầng.
- Các bệnh về mũi, đặc biệt là viêm mũi dị ứng khiến bệnh nhân hắt hơi liên tục, ảnh hưởng đến các mao mạch dưới mắt nên dễ gây thâm quầng mắt.
- Bệnh suy giáp có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể và loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Vì vậy, bệnh nhân cũng có biểu hiện mắt thâm quầng.
Cách trị thâm quầng mắt thế nào?
Cách giảm quầng thâm mắt nhanh nhất là bạn cần xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Chỉ khi biết chính xác nguyên nhân gây thâm quầng mắt bạn mới có cách khắc phục phù hợp.
- Nếu xác định được nguyên nhân thiếu ngủ, mất ngủ, bạn nên áp dụng ngay các biện pháp hỗ trợ ngủ ngon. Bên cạnh đó, bạn có thể thử phương pháp làm giảm quầng thâm mắt như massage mắt, đắp mặt nạ mắt, dùng kem mắt…
- Nếu thấy thâm quầng mắt xuất hiện cũng những triệu chứng khác như người mệt mỏi, rụng tóc, vàng da… mà không rõ nguyên nhân, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt. Khám sức khỏe giúp bác sĩ phát hiện ra các bệnh lý (nếu có) và chỉ định cách điều trị phù hợp, kịp thời. Khi bệnh lý được kiểm soát, tình trạng mắt thâm quầng sẽ được cải thiện.
- Lối sống khoa học với chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đúng giờ và đủ giấc, hạn chế căng thẳng, thể dục thể thao đều đặn… sẽ giúp bạn có cơ thể khỏe mạnh và đôi mắt tươi trẻ.
Đắp mặt nạ mắt giảm quầng thâm.
Tóm lại, nguyên nhân gây thâm quầng mắt bao gồm cả những nguyên nhân vô hại như di truyền lẫn nguyên nhân bệnh lý. Đôi khi, bạn chỉ cần thay đổi thói quen sinh hoạt, chú trọng chăm sóc vùng da dưới mắt là tình trạng thâm quầng đã giảm đi đáng kể. Nhưng cũng có khi bạn cần đi khám sức khỏe càng sớm càng tốt vì mắt thâm quầng có thể là biểu hiện của bệnh lý. Vì vậy, khi thấy mắt thâm quầng, thay vì chủ quan bạn nên theo dõi kỹ càng và đi khám khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường khác bạn nhé!
Bài viết liên quan
- › MP1 với sứ mệnh nâng cao trách nhiệm với cộng đồng(20/05/2024)
- › Bỏ túi những thói quen chống lão hóa hữu ích(20/05/2024)
- › Cách khắc phục làn da xỉn màu, thiếu sức sống(20/05/2024)
- › Bí quyết để cơ thể khỏe mạnh mỗi ngày(24/05/2024)
- › Collagen - Một trong những thành phần không thể thiếu trong làm đẹp(24/05/2024)